Bài Tuyên Truyền về Cách Phòng Bệnh Đau Mắt Đỏ
BÀI TUYÊN TRUYỀN VỀ CÁCH PHÒNG BỆNH ĐAU MẮT ĐỎ
Thời tiết thay đổi thất thường, độ ẩm trong không khí cao, là điều kiện lý tưởng các dịch bệnh xuất hiện, nhất là bệnh đau mắt đỏ. Bên cạnh đó, khi giao mùa, cơ thể người dễ mệt mỏi, hệ thống miễn dịch hoạt động yếu, tạo điều kiện cho vi rút dễ tấn công.
1. Đau mắt đỏ là gì?
Đau mắt đỏ còn gọi là viêm kết mạc, bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi và thường gia tăng khi thời tiết chuyển mùa. Nguyên nhân của đau mắt đỏ thường là nhiễm vi khuẩn, virut hoặc phản ứng dị ứng... Mặc dù đau mắt đỏ gây kích thích mắt nhưng hiếm khi ảnh hưởng đến thị lực. Vì đau mắt đỏ có nguy cơ lây nhiễm cao trong vòng 2 tuần từ khi bị bệnh nên việc chẩn đoán và điều trị sớm là rất quan trọng.
2. Triệu chứng.
Triệu chứng của đau mắt đỏ thường là: đỏ một hoặc cả hai mắt; ngứa một hoặc cả hai mắt; cảm giác có sạn ở trong mắt; rỉ dịch ở một hoặc hai mắt; chảy nước mắt. đau mắt đỏ làm cho bạn có cảm giác như có một vật gì ở trong mắt mà không thể lấy ra được. Khi thức dậy mắt bị dính chặt lại do màng dử mắt. Viêm kết mạc thường bị cả hai mắt mặc dù bệnh có thể xảy ra ở một mắt sau đó lây sang mắt kia sau một hoặc hai ngày. Bệnh có thể không cân xứng, một mắt nặng hơn mắt kia.
3. Cách phòng bệnh:
- Tuyệt đối không dùng tay bẩn hoặc khăn bẩn lau dụi mắt.
- Không được rửa mặt và mắt bằng nước muối ăn vì khi hoà vào nước các tinh thể muối không tan hết dễ gây cộm, ngứa cho mắt.
- Thường xuyên rửa tay với nước ấm và xà phòng, đặc biệt là sau khi tra thuốc mắt.
- Lau rửa dịch dử mắt bằng khăn mặt sạch hoặc giấy cotton ẩm, không hạn chế số lần rửa mặt trong ngày để loại bỏ chất kích thích.
- Giặt ga giường, vỏ gối, khăn tắm trong nước tẩy và ấm.
- Tránh tiếp xúc và không dùng chung đồ dùng: Khăn, chậu rửa với người đau mắt đỏ
- Không tra thuốc của người bệnh sang mắt của người lành.
- Trong môi trường tập thể như: Nhà trẻ, trường học, công sở; người bệnh cần được cách ly, đối với trẻ em bị đau mắt đỏ cần được nghỉ ở nhà để điều trị.
- Đeo kính râm khi ra đường để tránh ánh nắng mặt trời, gió và bụi bẩn.
- Khi bị đau mắt đỏ, nên tránh ăn những thực phẩm kích thích, có vị nóng như rượu, chè, cafe, thuốc lá , ớt, tỏi, hạt tiêu....
- Tránh nhỏ cortisol, uống, tiêm kháng sinh liều cao khi chưa có chỉ định của bác sĩ.